Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
|
Thi Hương là kỳ thi quan trọng cấp đầu để lấy người đỗ Cử-nhân ra làm quan, cũng gọi là Trung khoa (Ðại khoa tức thi Hội, thi Ðình, là khoa thi cấp cao nhất lấy người đỗ Tiến-sĩ, đỗ Tiểu khoa trỏ vào những người đỗ Tú-tài, còn "Tiểu đăng khoa" nghĩa bóng là lấy vợ). Thi Hương còn có tên là Thu vi vì thường được tổ chức vào mùa thu, đối với Xuân vi là khoa Tiến-sĩ, tổ chức vào mùa xuân.Phép thi của Trung quốc từ đời Tống đã ấn định ba năm một khoa, đời Minh (1368-1644) ấn định thi vào những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, bắt đầu chia ra thi Hương, thi Hội, thi Ðình : thoạt đầu thi Sinh đồ (Phủ thí), năm sau thi Hương cống (Hương thí), năm thứ ba thi Tiến sĩ (Hội thí). Ba năm một khoa là có lý do.
Nước ta mở Ðại khoa từ đời Lý, trước khi có các khoa thi Hương. Theo Phan Kế Bính thì đến năm 1370, đời Trần Duệ Tông, mới tổ chức khoa thi Hương đầu tiên, còn Tuyết Huy thì viết "phép thi cũng định từ đấy tức là từ 1370" (1).
Sang thời Hậu Lê, theo A. de Rhodes, nước ta cũng ba năm thi một kỳ, cũng chia ra ba cấp : cấp Tú tài người đỗ gọi là Sinh đồ, có văn bằng, hàng năm được miễn nửa thuế ; cấp Cử nhân gọi là Hương cống, thi pháp chế và dân lụật, dành cho những người đỗ Tú tài từ 3 năm, được hoàn toàn miễn thuế ; cấp thứ ba thi Tiến sĩ, dành cho các Hương cống từ ba năm (2).
Ðời Nguyễn, tuy cũng ba năm một kỳ, nhưng Sinh đồ và Hương cống thi chung một lần (thi Hương), người không đỗ nhưng điểm cao thì xếp hạng Sinh đồ / Tú tài, không được thi Hội, không được làm quan ; người đỗ gọi là Hương cống / Cử nhân, được làm quan và được thi Hội ngay năm sau, thành ra lệ ba năm một khoa bắt chước Trung quốc không còn lý do chính đáng, chỉ hai năm cũng đủ.
Sở dĩ gọi là "Thi Hương" vì sĩ tử dù sinh sống ở xa, đến kỳ thi vẫn phải về nguyên quán (quê hương) mà thi.
- Năm 1501 định lệ : Các lại điển, quan viên, nho sinh đang làm việc ở Thừa ty các xứ khác, muốn thi phải làm đơn để quan trên xét có đủ sức thì mới cấp giấy cho về bản quán để thi chứ không được nhận cho thi ngay ở Thừa ty hay ở phủ Phụng-thiên như trước.
- Năm 1841, Phạm Duy Hàn mạo nhận quán ở Bình-thuận để thi ở Gia-định, việc phát giác, bị xóa tên trong sổ Cử-nhân, đuổi về nguyên quán, suốt đời không được thi nữa (3).
- PHỤ THÍ
Phụ thí là trường hợp đặc biệt cho phép sĩ tử ở xa quê được thi tại nơi mình đang sinh sống :
- vì người cha đang nhậm chức nơi ấy ;
- vì đặc dụ của triều đình. Thí dụ : năm 1821, học trò các trấn đến Gia-định học tập, lâu ngày có người đã đỗ nhất trường, nhị trường hay tam trường, thì cho được phụ thí ở trong thành ; từ Phú-yên về Nam cho được tùy tiện phụ thí ; từ Bình-định ra Bắc, phải trở về nguyên quán (4).
Năm 1886, vì có biến loạn, học trò tản đi các nơi, đến kỳ thi trở về nhà không tiện, nếu ai tình nguyện đầu đơn ở Học thần sở tại, chiếu lệ sát hạch, thì cho phụ thí ở Kinh hoặc ở tỉnh (5).
- CHÍNH KHOA VÀ ÂN KHOA
Trong bài thơ "Khoa thi Ðinh-Dậu" Tú Xương viết :"Nhà nước ba năm mở một khoa" khiến người ta có thể hiểu là cứ ba năm là có một kỳ thi Hương. Sự thật không nhất định là ba năm phải có một khoa thi, và cũng cần phải phân biệt "Chính khoa" với "Ân khoa".
- Chính khoa là những khoa thi được triều đình ấn định từ trước, thường là ba năm một khoa, song trong những trường hợp đặc biệt như khi mới dựng nước, công việc bề bộn, còn phải lo ổn định tình hình thì có khi 6, 7 năm mới tổ chức được một khoa.
- Ân khoa được mở vào những dịp hoàng gia có việc vui mừng như Vua mới lên ngôi, sinh Hoàng tử hoặc thượng thọ Hoàng thái hậu vv. Ðấy là những khoa ngoại lệ, đặc cách mở ra cho những nho sĩ có thêm một cơ hội tiến thân. Thí dụ :
Năm 1779 (Kỷ Hợi), Trịnh Sâm mở ân khoa, đặc biệt tổ chức thi Hương và thi Hội cùng một năm, tháng 10 thi Hương, tháng 12 thi Hội, gọi là "Hương Hội Thịnh Khoa" (6).
Năm 1820, Minh-Mệnh mới lên ngôi, xuống chiếu :"Thánh nhân ban ân trạch không gì lớn bằng sự gây dựng nhân tài (...) cho nên không câu nệ ở lệ thường. Cho mở ân khoa : năm 1821 thi Hương, 1822 thi Hội".
Năm Minh-Mệnh ăn mừng "ngũ tuần đại khánh", lại cho mở ân khoa thi Hương và thi Hội. Năm ấy cũng là năm có chính khoa nên chính khoa phải lùi lại đến năm sau.
I - THI HƯƠNG TRƯỚC THỜI NGUYỀN Nhà Trần : Như trên đã nói, đời Lý chưa có thi Hương. Theo Phan Kế Bính thì năm1370 Trần Duệ Tông mở khoa thi Hương đầu tiên, nhưng không chép rõ định kỳ chỉ ghi vắn tắt :"Năm trước thi Hương, năm sau thi Hội. Ðỗ gọi là Cử-nhân", nhưng Tuyết Huy lại viết năm 1370 định phép thi Hương, có thể hiểu là Thi Hương có từ trước. Sử Ký Toàn Thư không chép khoa này.
Hương Khoa Lục viết là thi Hương được đặt ra từ 1393 (7).
Khoa Mục Chí thì ghi "Năm 1396, định phép thi Cử nhân (tức thi những người đã đỗ Cử nhân) năm trước thi Hương, năm sau thi Hội", trước đó không hề nói đến "thi Hương", chỉ chép "thi học trò trong nước", hay "thi Ðại khoa", "thi Thái Học Sinh" vv.
Nhà Hồ : Năm 1404, Hồ Hán Thương định rõ lệ ba năm một kỳ : tháng 8 năm nay thi Hương, tháng 8 năm sau thi lại ở bộ Lễ, đỗ thì bổ dụng. Tháng 8 năm sau nữa mới thi Hội. Cứ 3 năm một kỳ (8).
Nội thuộc nhà Minh : Theo Khoa Mục Chí, nhà Minh cũng có tổ chức các khoa thi nhưng sĩ tử trốn tránh không thi. Sử Ký Toàn Thư chép năm 1414 nhà Minh mở học hiệu, tìm người nho học, chiêu dụ các quan cũ triều trước giả cách bổ đi các nha môn làm việc, đưa về Yên-kinh giữ lại, nước thành trống rỗng (9).
Nhà Hậu Lê : Khi mới giành lại chủ quyền đất nước, Lê Thái Tổ chưa kịp tổ chức thi Hương.
- 1434 Lê Thái Tông mới định :"Từ năm 1438 thi Hương ở các đạo, năm sau thi Hội, ba năm một kỳ đặt thành lệ", song có lẽ lệ này không được áp dụng.
- 1435 vua thân thi các Giám sinh, Giáo thụ và quân nhân ở Văn Tập Ðường (10).
- 1442 định 5, 6 năm mở một khoa.
- 1462 ấn định thi Hương vào những năm Tý Ngọ Mão Dậu và định lệ Bảo kết thi Hương : Cho quan bản xã bảo kết người nào thực có đức hạnh mới được khai vào sổ ứng thi. Những người bất hiếu, bất mục, loạn luân, điêu toa, dẫu có học vấn văn chương cũng không được thi. Giấy thông thân cước sắc (căn cước) của từng người phải khai rõ xã, huyện, tuổi, chuyên trị kinh gì, cùng là cước sắc của ông cha, không được giả mạo. Những nhà làm nghề hát xướng cùng là nghịch đảng ngụy quan và người có tiếng xấu thì bản thân và con cháu đều không được đi thi (11).
- 1483 định rõ nhật kỳ vào trường thi :
Trường 1 ngày 8 tháng 8, các xứ cùng thi một ngàyCác xứ Hải-dương, Sơn-nam, Tam-giang, Kinh-bắc :Trường 2 ngày 18 tháng 8Các xứ Thanh-hoa, Nghệ-an :
Trường 3 ngày 25 tháng 8
Trường 4 ngày 1 tháng 9
Yết bảng ngày 7 tháng 9.Trường 2 ngày 15 tháng 8Các xứ Thuận-hóa, Yên-quảng, Hưng-hóa, Tuyên-quang, Lạng-sơn, Thái-nguyên và phủ Phụng-thiên :
Trường 3 ngày 22 tháng 8
Trường 4 ngày 26 tháng 8
Yết bảng ngày 1 tháng 9.Trường 2 ngày 13 tháng 8- Năm 1492 mở khoa thi Hương, sai các quan Hàn-lâm đi làm khảo quan thừa tuyên Hải-dương, Sơn-nam, Tam-giang, Kinh-bắc, mỗi ty bốn viên. Quan Hàn-lâm đi chấm thi Hương bắt đầu từ đấy.
Trường 3 ngày 18 tháng 8
Trường 4 ngày 26 tháng 8
Yết bảng ngày 1 tháng 9 (12).- Năm 1498 Ðịnh ngày 8/8 thi Kỳ 1 nhưng ngày 10/8 là ngày Thánh Tiết, Khảo quan đã vào trường lại về nha môn, làm lễ không được cẩn mật mà thiết lể trong trường thì lễ văn không đủ. Xin hoãn đến ngày 12/8 thi Kỳ 1 (13).
- Năm 1523 : Năm trước có khoa thi Hương nhưng vì loạn chưa kịp thi. Nay cho học trò bốn xứ Sơn-nam, Sơn-tây, Hải-dương, Kinh-bắc thi chung ở bãi làng Xuân-đỗ, huyện Gia-lâm (giữa bãi sông Nhị). Chia ra bốn khu, bốn xứ cùng thi một đầu đề (13).
Nhà Mạc : Không thấy sách sử chép về thể lệ thi Hương thời Mạc nhưng vì thi Ðại khoa thời Mạc cũng theo những lề lối thời Hậu Lê nên có thể cho là thi Hương thời Mạc cũng giống thi Hương thời Hậu Lê.
Nhà Lê Trung Hưng : Nhà Mạc cướp ngôi, nhà Lê phải lui về Thanh-hoa, đứt quãng một thời gian không có thi cử, sau đó bắt đầu mở các Chế khoa, rồi Ðại khoa... nhưng không thấy chép về thi Hương.
- 1595 : "Dẹp xong nhà Mạc, vua Lê trở về Kinh thi Cống sĩ ở bờ sông", có nghĩa là trước đó phải có thi Hương nên mới có "Cống sĩ".
- 1601 Bắt đầu mở lại thi Hương.
- 1670 tháng 9 thi Hương, tháng 11 thi Hội.
- 1678 ban hành điều lệ thi Hương 16 điều. Ðiểm mục : Trước kỳ thi hai Ty Thừa Hiến tư cho các quan Huyện, Châu bắt các phường, xã trưởng khai sổ những quan viên chưa bổ, Nho sinh trúng thức và Giám sinh ở nhà để tang cha mẹ nộp cho Thừa Ty bản xứ khai trình cho Quốc tử giám làm bằng. Ðến ngày vào thi sai quan điểm mục, nếu ai vắng mặt thì xét hỏi, trị tội. Quan viên phải điểm mục ở nha môn, Nho sinh trúng thức và Giám sinh thì điểm mục ở Quốc tử giám (14).
- 1711 định lại văn thể thi Hương. Lệ cũ quan trường ra đề đùng Tứ thư, sử, tứ lục độ hơn 10 bài, phú độ 5, 3 bài, đầu đề đặt sẵn, gọi là Sư thư. Bọn học giả làm bài sẵn đem bán, học trò mua học thuộc lòng hoặc giấu đem vào trường cứ thế mà chép. Quan chấm cứ theo văn mà lấy đỗ, trùng kiến (giống nhau) cũng mặc cho nên người đỗ chưa hẳn có thực tài. Ðến khoa này mới ra lệnh cho quan trường tùy ý ra đầu bài, không được theo lối cũ.
- 1720 Ngự đề : Trước kia thi Hương do quan trường ra đề. Vì trường 3 và trường 4 là kỳ quyết định, để phòng gian tệ, đặc sai quan Kinh nghĩ đầu đề thi Hương ở trong phủ Chúa trình lên rồi sai chạy ngựa trạm chia đề cho các trường bốn trấn, duy hai trường Thanh-hoa và Nghệ-an ở xa, cho quan Hiến sát được khâm sai mở sách ra đề .
- 1750 Chúa Trịnh nghe Ðỗ Thế Giai cho phép ai nộp 3 quan Tiền Thông Kinh thì được thi Hương miễn thi Hạch : người giỏi bị đánh hỏng, kẻ dốt được lấy đỗ loạn lên.
- 1751 Khoa Mục Chí viết : Từ khi cho nộp tiền vào thi, lại gập lúc Trịnh Doanh đi đánh giặc miền Tây, các khảo quan đều coi thường pháp luật, dư luận xôn xao. Chúa Trịnh thấy loạn phép nước, giận lắm, bắt thi lại các Cống sĩ. Ngô Ðình Oánh và Trần Huy Mật ra đề, chia ra từng điều, giải nghĩa từng câu, hỏi nhiều câu thâm thúy khó khăn, Cống sĩ bị hỏng đến quá nửa. Các khảo quan đều bị giáng hoặc bãi chức.
- 1752 Vẫn theo Khoa Mục Chí : Chỉ dụ lại theo văn thể thời Hồng-đức. Lúc mới khai quốc (Hậu Lê), văn thể hùng hồn, không cần cân đối, đề mục chỉ cần đại thể, nắm lấy chủ yếu, không chia tiết mục lặt vặt. Từ đầu Trung Hưng, một lần biến thành lối chép theo sách cổ, biến lần nữa thành lối văn tầm chương trích cú. Ðời Chính-hòa (1680-1705) đã bàn trở lại theo văn thể đời Hồng-đức nhưng chỉ thi hành ở thi Hương và thi Hội, còn thi Ðình vẫn dùng lối văn cũ. Năm ngoái thi lại ở bãi sông, Ðình Oánh, Huy Mật ra đề lại chia ra từng mục, Nhữ Ðình Toản ghét lối ấy xin Chúa ra chỉ dụ đều theo văn thể đời Hồng-đức.
- 1779 mở Hương, Hội Thịnh khoa (thi Hương, thi Hội cùng một năm).
Nhà Tây Sơn : Theo Phan Huy Thực thì nhà Tây Sơn chỉ mở có một khoa thi Hương năm 1789, còn Nguyễn Trọng Thuật lại viết là nhà Tây Sơn mấy lần mở các khoa thi ở Thanh, Nghệ, chỉ thi có hai môn : chế nghĩa và văn sách (15).
II - THỜI NHÀ NGUYỀN Phép thi đại khái rập theo khuôn mẫu thời Hậu Lê.
- 1807, Gia-Long mở khoa thi Hương đầu tiên từ Nghệ-an ra Bắc (6 trường) và định phép thi :
Trước kỳ thi lý trưởng sở tại phải ghi tên học trò đi thi vào sổ. Những người bất hiếu, bất mục, loạn luân, điêu toa và phạm án cướp hay phản nghịch đều không được đi thi. Học trò vào trường thi không được mang theo sách vở, không được rời khỏi lều đi hỏi chữ. Mượn người làm bài hay làm bài thay người khác thì bị xử sung quân.
Quan Nội trường không được mang theo thoi mực (mực đen) và giấy có chữ. Các quan Nội, Ngoại trường không phải việc công thì không được gập riêng nhau.
Quan trường và học trò thông đồng thỉnh thác thì quan bị xử giáng hay bãi chức, học trò bị tội đồ. Thể sát, lại phòng lừa dối, làm tiền đều tội đồ.
Sau khi nộp quyển, Soạn hiệu phong lại đưa sang Giám khảo Nội trường để chia cho các Sơ khảo chấm trước rồi chuyển những quyển trúng sang cho Phúc khảo chấm lại. Các Sơ khảo, Phúc khảo đều phải ghi tên trên mặt quyển. Giám khảo duyệt một lần nữa rồi đưa những quyển trúng sang Ngoại trường để quyết định lấy đỗ hay bỏ.
Yết bảng từng kỳ. Kỳ đệ tứ xướng danh. Sau Phúc hạch mới yết bảng những người đỗ. Trúng Tứ trường gọi là Hương cống, được ban mũ áo, cho ăn yến Lộc minh. Ðỗ Tam trường gọi là Sinh đồ. Ðều được miễn dịch (16).
- 1809 định lệ thi Hương vào những năm Tý Ngọ Mão Dậu. Nhưng đến năm 1810, vì Bắc thành đói kém, việc cứu đói cần kíp hơn, nên hoãn thi Hương, định lại từ đấy 6 năm mới mở một khoa vào các năm Mão, Dậu.
- 1812, định lệ thi Hương : Binh lính, lại dịch tình nguyện đi thi thì binh lính ở Kinh do bộ Binh, ở ngoài do quan địa phương sát hạch, lại dịch do quan sở quản sát hạch. Người nào thông văn lý được miễn công vụ ba tháng cho về học thi.
Lại định bắt đầu từ sang năm : tháng 3 thi hai trường Thanh, Nghệ, tháng 7 thi trường Quảng-đức và Gia-định, tháng 9 thi các trường Thăng-long và Sơn-nam-thượng.
- 1825 Sang thời Minh-Mệnh, định lệ ba năm thi một khoa vào những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu.
Sĩ tử do các quan Giáo, Huấn ở phủ huyện khảo trước rồi quan Ðốc học khảo lại một lần nữa, có trúng mới được đi thi Hương.
Ðổi gọi Hương cống là Cử nhân, Sinh đồ là Tú tài.
- 1828 Ðặt thêm chức Phân khảo.
Chức Ðề Ðiệu thời Lê là Chánh khảo, nay chuyên trách việc thu quyển, niêm phong, không dự việc chấm thi nữa.
- 1829 Quan trường thấy thơ phú sai vần là truất bỏ vì không hợp cách. Vua dụ :"Học vần ghi nhớ rất khó, khi đặt câu ghép vần sợ chữ vần chưa chắc đã ổn, nhân thế ý nghĩ mơ hồ, ví thử có tứ hay cũng không phát triển vào đâu được (...) không đúng với ý triều đình cất nhắc nhân tài. Từ nay xem dùng vần nào, sao ra, niêm yết.
- 1830 Ðịnh phép thi Hương, Hội : ở cửa trường hay trong vi, bắt được người nào mang giấy có chữ chép văn cũ, ghi nghĩa sách thì tội gông một tháng, ngày mãn hạn đánh 100 roi rồi tha. Nếu là Cử nhân, Tú tài, Giám sinh thì xóa bỏ chân đỗ, bắt về chịu sai dịch, vĩnh viễn không được thi nữa, không được làm việc ở các nha môn. Các quan không ai được bảo cử cho.
Nếu khám lều chiếu, hòm tráp, khăn gói có lẫn giấy có chữ mà xét không phải chép nghĩa sách, văn bài thì lập tức đánh 40 roi rồi cho vào trường làm văn.
Biền binh khám bắt được sẽ thưởng ba lạng bạc.
- 1832 Vua sai lục bộ và Viện Ðô sát bàn định đổi phép thi, bắt đầu từ 1834 :
Kinh nghĩa 8 vế, 250 chữ trở lên. Phải có phá đề, thừa đề, khởi giảng vv.
Thơ thất ngôn luật, ngũ ngôn bài luật, phú luật.
Văn sách đầu bài khoảng 300 chữ, bài làm 1000 chữ trở lên.
Phúc hạch : chiếu, cáo, biểu dùng tứ lục (văn thù phụng).
Trên mặt quyển sĩ tử không được viết "Ðệ nhất trường", "Ðệ nhị trường" vv. phải do dấu gỗ của nhà nước đóng.
Trong quyển có bao nhiêu chữ xóa, móc, sửa phải ghi ở cuối quyển để phòng gian dối.
Chấm ba hạng ưu, bình, thứ.
- 1833 Bộ Lễ bàn : Trên mặt quyển, dưới chỗ đề tên, bên hữu chua tỉnh, phủ, huyện, tổng, xã, bên tả chua tuổi và theo học ở đâu. Học gia đình thì chua "nguyên tư thục".
Trong hạt trước đó ít văn học mà có người đỗ, không ai trắng quyển hay viết không đủ quyển thì Học quan được thưởng gấp đôi. Hạt nào không có ai đỗ mà số học trò đi thi gấp đôi khoa trước, không ai bỏ trắng, không viết đủ quyển thì giảm xuống một nửa. Nếu có quyển trắng hay viết không đủ quyển thì Học quan bị xử nặng (17).
- 1834 Bắt đầu định phép thi ba kỳ, theo thứ tự : chế nghĩa, thơ phú và văn sách. Phúc hạch làm một bài biểu mừng.
Chia phách mầu : Thừa-thiên mầu vàng, Quảng-bình mầu xanh, Quảng-trị mầu đỏ, Quảng-nam mầu đen, Quảng-ngãi, Bình-định mầu đỏ sẫm, từ Phú-yên trở vào mầu lục.
- 1835 Vua dụ : Ðầu bài văn sách thi Hương, Hội, Ðình từ 3-500 chữ trở lên, chép kỹ đầu bài là việc thừa. Ngày giờ hạn chế, dù giỏi mấy cũng klhông phô bầy, phát huy hết tài hoa ấp ủ. Từ thi Ðình năm nay, giấy đầu bài văn sách cấp cho, bất tất phải sao chép. Khi nộp quyển thì nộp cả giấy đầu bài để kiểm xét (18).
- 1837 Lệ trước hai trường Hà-nội, Nam-định thi tháng 9, song vì mùa thu nước lụt nên đến năm 1837 đổi sang thi tháng 10.
- 1840 Lệ trước trường Gia-định thi tháng 7, vì các quan Kinh ở xa, đi chấm thi phải lên đường từ thượng tuần tháng 6, nóng nực, vất vả, nên đổi thi tháng 9.
- 1841 Quy định số người lấy đậu các trường từ đây :
Thừa-thiên 38 người- 1843 Bắt đầu xây trường Thừa-thiên, trong kinh thành, cửa Ninh-bắc, để thi Hương, thi Hội.
Nghệ-an 25
Hà-nội 23
Nam-định 21
Gia-định 16Từ 1831 về trước hạn định thi Hương nhiều nhất là một tháng mười ngày, bộ Lễ bàn hạn trong một tháng.
- 1850 Thôi dùng phách mầu. Phép thi bốn kỳ, theo thứ tự : chế nghĩa, sách vấn, chiếu biểu luận, thơ phú. Ra bảng từng kỳ nhưng chưa xếp thứ tự cao thấp. Gộp cả bốn kỳ mới xếp thứ bậc chứ không theo điểm của riêng bài văn sách.
Lập sổ yết bảng trường nhất, trường nhì mỗi loại hai bản, một bản giao cho bộ Lễ lưu chiểu, một giao cho các quan nơi có trường thi để sao cho các nơi biết (19).
- 1853 Ðổi theo cách thi ba kỳ, không thi thơ phú (thi Hội mới dùng) mà thi chiếu, biểu, luận. Ðề chế nghĩa có ám tả, trước hết phải chép một, hai câu cẩn án để nêu rõ đại ý ; văn sách đổi làm mười câu hỏi : ngũ kinh mỗi kinh một câu, truyện hai câu, Bắc sử ba câu. Làm 5 là đủ : 1 kinh, 2 truyện, 1 kiêm kinh, 2 sử (20).
- 1874 Lại hoãn thi Hương ở Nam-định và Hà-nội. Trước nhân có việc (chiến tranh) hoãn đến tháng 2, tháng 3 năm nay. Nay quan tỉnh ấy nhiều việc, tu bổ trường thi chưa xong, xin hoãn đến tháng 7, tháng 8.
- 1876 Lại thi thơ phú, bỏ văn tứ lục. Bài văn sách trước hết phải có một câu tổng mạo, kế tới liên hệ tới việc cổ, sau mới tới đoạn lớn.Bài chế nghĩa thì cẩn án, ám tả, truyện, chú cùng với loại mười bài sách vấn đều bỏ. Phúc hạch trước đùng thơ ngũ ngôn 8 vần nay đổi dùng chiếu hay biểu bổ sung vào chỗ thiếu, bỏ thi văn tứ lục (21).
- 1884 Trước đây, sau xướng danh, phải trực tiếp thi Phúc hạch một bài Tứ lục. Nay định sau trường ba, chấm xong cho yết bảng, chia vi thi Phúc hạch một ngày nữa. Thi đủ cả chế nghĩa, thơ phú, văn sách, gộp điểm với các kỳ trước rồi mới châm chước lấy đỗ hay đánh hỏng. Bãi bỏ việc xướng danh rồi mới Phúc hạch (22).
- Khoa 1909 Ðây là khoa cải cách đầu tiên.
Hạn tuổi sĩ tử từ 50 trở xuống trừ những người được miễn theo lệ như Tôn sinh, Ấm sinh, Học sinh, Tú tài, thì không nệ tuổi:
Kỳ 1: 10 đạo văn sách, làm 5 là đủ lệ
Kỳ 2: thơ phú như cũ
Kỳ 3: 1 luận chữ nho, 1 luận quốc ngữ.
Kỳ thi Tình nguyệnthi dịch chữ Pháp ra quốc ngữ. Ðề do tòa Khâm soạn. Quan Ðề Tuyển rọc phách rồi giao cho viên Kiểm Ðộc chấm. Chỉ kể số lẻ trên 10 để cộng thêm vào điểm các kỳ.
Phúc hạch : 1 văn sách, 1 bài phú, 1 luận quốc ngữ. Ðược 7 điểm trở lên là trúng cách.
- Riêng trường Hà-nam hơi khác, bãi bỏ kinh nghĩa, thơ phú :
Kỳ 1: 5 đạo văn sách
Kỳ 2: 2 đề luận chữ nho
Kỳ 3: 2 đề luận quốc ngữ
Phúc hạch : 1 luận chữ nho, 1 luận quốc ngữ. Các đề quốc ngữ do phủ Thống sứ đặt ra Tòa Hội đồng chọn và chấm (23).
Trước đây việc thi cử là của Ty Tân Hưng, thuộc bộ Lễ, nay lập bộ Học (1907) thì thuộc bộ này.
- Khoa 1912 Hạn từ 40 tuổi trở xuống mới được thi.
Các môn thơ phú đều bãi bỏ theo trường Hà-nam khoa 1909.
Kỳ 1: 5 bài văn sách tùy ý chọn.
Kỳ 2: 2 luận chữ nho.
Kỳ 3: 2 luận quốc ngữ. Khoa trước ra đề bằng chữ nho, bài làm bằng quốc ngữ, người Pháp chấm không hiểu. Kỳ này ra đề bằng quốc ngữ.
- Riêng trường Hà-nam khoa này chỉ còn thi 2 kỳ :
Kỳ 1: 4 bài văn sách (Nam sử, luân lý, văn chương, chính trị Ðông-dương, luật lệ Nam triều).
Kỳ 2: 3 đề quốc ngữ : 1 văn chương, 1 toán, 1 sử, địa dư, cách trí.
Kỳ thi tình nguyện : dịch chữ Pháp ra quốc ngữ.
Phúc hạch : 1 luận chữ nho, 1 luận quốc ngữ (24).
- Khoa 1915 (Ất Mão) là khoa thi Hương cuối cùng ở miền Bắc.
Kỳ 2 đề luận quốc ngữ ra bằng chữ Pháp.
- Khoa 1918 (Mậu Ngọ) là khoa thi Hương cuối cùng của toàn quốc.
Kỳ 1: 2 bài văn sách : 1 văn chương, luân lý, 1 chính trị hay luật lệ ; từ trát 2 đề (1 đề chiếu, dụ, sớ ; 1 đề công văn, thư từ).
Kỳ 2: 1 luận quốc ngữ thời vụ, 2 đề toán pháp quốc ngữ (đo lường), 1 thiết vấn quốc ngữ (Nam sử hay địa dư).
Kỳ 3: dịch quốc ngữ ra chữ Pháp.
Kỳ 4: 1 luận chữ Hán, 1 luận quốc ngữ, 1 Pháp văn.
đều phải 7 điểm trở lên (25).
CHÚ THÍCH 1 - Phan Kế Bính,Việt-Nam Phong Tục, tr. 259 - Tuyết Huy, Nam Phong số 23, 5/1919. Có thể hiểu là có thi Hương từ trước 1370, song Trung quốc mãi đến thời Minh (1368-1644) mới có thi Hương nên không chắc nước ta đã có thi Hương trước 1370.
2- A. de Rhodes, Lịch sử vương quốc Ðàng Ngoài, tr.40-2. Có lẽ A. Rhodes hiểu sai : ba năm một khoa không có nghĩa là người đỗ Hương cống ba năm sau mới được thi Hội.
3 - Thực Lục, XXIII,tr. 373.
4 - Thực Lục, V, 226.
5 - Thực Lục, XXXVII, tr. 227, 267.
6 - Lê Quý Dật Sử, tr. 39.
7 - Hương Khoa Lục, tr. 60.
8 - Khoa Mục Chí, tr. 9.
9 - Khoa Mục Chí, tr. 10 - SKTT, II,250-2.
10 - Hương Khoa Lục, tr. 61.
11 - Khoa Mục Chí, tr. 10.
12 - Khoa Mục Chí, tr. 12.
13 - SKTT IV, tr. 8 - Khoa Mục Chí, tr. 16 - Hương Khoa Lục, tr. 65.
14 - Khoa Mục Chí, tr. 25.
15 - Thực Lục, XII, tr. 114 - Nam Phong, số 182, 3/1933.
16 - Thực Lục, III, tr. 339-41.
17 - Thực Lục, XII, 85.
18 - Thực Lục, XVI, 275.
19 - Hương Khoa Lục, tr. 294.
20 - Hương Khoa Lục, tr. 336.
21 - Hương Khoa Lục, 427.
22 - Hương Khoa Lục, tr. 471.
23 - Hương Khoa Lục, tr. 611-12.
24 - Hương Khoa Lục, tr. 629.
25 - Hương Khoa Lục, tr. 659.
[ Trở Về ]